CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ BẰNG HỮU


Tin tức

THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG “ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY-CLOUD COMPUTING” Ở CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Như chúng ta đã biết, trên thế giới khái niệm và ý tưởng “Điện toán đám mây – Cloud Computing” được hình thành từ nhữ năm 1969. Tuy nhiên, kể từ khi có internet băng thông rộng, tốc độ kết nối được cải thiện đáng kể trong những năm 1990, Điện toán đám mây mới có được một số thành tựu phát triển có giá trị, mà cột mốc đầu tiên là sự xuất hiện của Salesforce.com vào năm 1999 với khái niệm cung cấp ứng dụng doanh nghiệp thông qua một trang web đơn giản. Sự phát triển tiếp theo là Amazon Web Services vào năm 2002, cung cấp một bộ các dịch vụ dựa trên điện toán đám mây bao gồm: lưu trữ, tính toán, trí tuệ nhân tạo thông qua Amazon Mechanical Turk.

Hình ảnh minh họa

Còn ở Việt Nam, IBM là đơn vị tiên phong khai trương trung tâm điện toán đám mây vào tháng 9/2008. Sau đó, Microsoft là đơn vị thứ hai tiếp bước điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam. Tuy vậy, cho đến nay, thực trạng ứng dụng điện toán đám mây ở các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà với công nghệ này, họ chỉ dừng lại ở mức quan tâm và tìm hiểu.

Vậy những lý do chính nào là rào cản cho sự tiếp cận và chuyển đổi sang môi trường, công nghệ Điện toán đám mây chậm trễ như vậy:

  • Lý do đầu tiên cũng là quan trọng nhất đó là nhận thức của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có quy mô khác nhau, có mô hình tổ chức, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng chủ trương, chính sách đều phải được thông suốt từ đội ngũ ban lãnh đạo, ban điều hành đến đội ngũ IT và các bộ phận phòng ban liên quan trong doanh nghiệp. Bởi, khi lựa chọn và chuyển đổi sang nền tảng công nghệ này, họ phải đối mặt với những thách thức rất lớn về: nguồn vốn, ngân sách cho chí phí đầu tư ban đầu (nếu xây dựng mô hình Private Cloud hoặc Hybird Cloud), chi phí hiện đại hóa quy trình sản suất, kinh doanh, quy trình quản lý, vận hành doanh nghiệp, v.v…rào cản kỹ thuật, bảo mật bảo đảm an toàn thông tin. Nó có thể làm thay đổi toàn bộ các quy trình truyền thống mà doanh nghiệp đang vận hành.

 

  • Lý do thứ hai là băng thông đường truyền. Điện toán đám mây phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ và băng thông của đường truyền, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu năng và thời gian đáp trả của ứng dụng đối với người dùng cuối. Đây cũng là một trong những điểm thắt nút làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Hình ảnh minh họa

  • Lý do thứ ba là vấn đề về bảo mật ứng dụng, dữ liệu và an toàn thông tin khi mọi thứ của doanh nghiệp đề được đặt lên mây. Đây cũng là một vấn đề được quan tâm và thảo luận rất nhiều trong thời gian qua: hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, phương thức để ngăn chặn, bảo vệ những ứng dụng, dữ liệu quan trọng này.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận được vai trò và giá trị của Điện toán đám mây, nó là nhân tố chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh doanh trong các doanh nghiệp đồng thời giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thông minh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

  • Tối ưu hóa quy trình mua sắm, đầu tư phục vụ CNTT: Xu hướng hiện nay, trong những doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn, tổ chức tài chính lớn như ngân hàng, bảo hiểm, v.v… trong cơ cấu tổ chức có cả một phòng hoặc ban đầu tư, mua sắm với những quy trình rất phức tạp: Thời gian từ khi đưa ra yêu cầu, đến phê duyệt chủ trương, ngân sách đầu tư, đến ra hồ sơ thầu, thẩm định hồ sơ, thẩm định giá đến ký kết hợp đồng, đặt hàng, nhận hàng bàn giao đến triển khai trung bình kéo dài từ nửa năm đến 1 năm.
  • Giảm độ phức tạp trong cơ cấu của doanh nghiệp: Trong các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, kinh doanh sản phẩm, thương mại mà lại phải có cả một phòng ban, đội ngũ chuyên gia IT chuyên nghiệp để vận hành, bảo trì máy móc, thiết bị, hạ tầng CNTT thì quá tốn kém. Nếu thuê ngoài được quá trình này thì doanh nghiệp sẽ chỉ cần tập trung vào việc sản xuất hàng hóa chuyên môn của mình và giảm bớt được độ phức tạp trong cơ cấu.
  • Giảm chi phí: Doanh nghiệp sẽ có khả năng:
    • Cắt giảm chi phí đầu tư ban đầu cho CNTT: Rõ ràng thay vì việc phải đầu tư một khoản chi phí lớn cho 1 hạ tầng CNTT trong vòng 3-5 năm thì với việc đi thuê dịch vụ Hạ tầng CNTT – Iaas, bạn chẳng cần phải làm gì ngoài việc xác định nhu cầu sử dụng tài nguyên mình từng giai đoạn, sau đó nhu cầu đến đâu bạn thuê dịch vụ đến đó. Việc này giúp doanh nghiệp cắt giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu mà chưa biết chính xác được thực tế tài nguyên đó được sử dụng đến đâu.
    • Cắt giảm được chi phí liên quan đến việc tiêu hao điện năng, không gian địa lý nếu doanh nghiệp triển khai trung tâm dữ liệu riêng cho mình.
    • Cắt giảm được đáng kể chi phí liên quan đến nguồn lực nhân sự cho việc quản trị, vận hành hạ tầng CNTT.
  • Tăng khả năng sử dụng tài nguyên: Một trong những câu hỏi đau đầu của việc đầu tư tài nguyên bao lâu thì nó sẽ hết khấu hao, đầu tư như thế có lãi hay không, có lỗi thời về công nghệ hay không. Khi sử dụng tài nguyên trên đám mây thì bạn không còn phải quan tâm tới điều này nữa.
  • Sử dụng các tài nguyên tính toán động (Dynamic computing resources): Các tài nguyên được cấp phát cho doanh nghiệp đúng như những gì doanh nghiệp muốn một cách tức thời. Thay vì việc doanh nghiệp phải tính toán xem có nên mở rộng hay không, phải đầu tư bao nhiêu máy chủ thì nay doanh nghiệp chỉ cần đưa ra yêu cầu.

Các mô hình dịch vụ của Điện toán đám mấy

Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cung cấp các dịch vụ của họ theo ba mô hình cơ bản:

  • Dịch vụ giành cho Cơ sở hạ tầng (IaaS– Infrastructure as a Service)
  • Dịch vụ giành cho Cơ sở nền tảng (PaaS– Platform as a Service)
  • Dịch vụ giành cho Phần mềm (SaaS– Software as a Service)

Trong năm 2012, NaaS – Network as a Service và CaaS – Communications as a Service đã chính thức thêm vào bởi Hiệp hội viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union) như là một phần của các mô hình điện toán đám mây cơ bản, các loại hình dịch vụ được công nhận của hệ sinh thái đám mây viễn thông.

Các mô hình triển khai:

  • Điện toán đám mây riêng (Private cloud)
  • Điện toán đám mây chung (Public cloud)
  • Điện toán đám mây lai (Hybrid cloud)

Một số tổ chức có uy tín trên thế giới cung cấp dịch vụ Điện toán đám mây:

Điện toán đám mây đang được phát triển và cung cấp bởi nhiều nhà cung cấp, trong đó có AmazonGoogleEXA, và Salesforce cũng như những nhà cung cấp truyền thống như Sun MicrosystemsHPIBMIntelCisco và Microsoft.

Với những điều kiện thuận lợi hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam, dù lớn hay nhỏ đều có thể tham gia và chuyển đổi dần theo lộ trình các ứng dụng, dữ liệu CNTT, các dịch vụ, sản xuất, kinh doanh của mình sang công nghệ “Điện toán đám mây”.

 

AMIGO, với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tích hợp hợp thống và cung cấp hạ tầng, giải pháp công nghệ nói chung sẽ đồng hành cùng Quý doanh nghiệp, tư vấn, hỗ trợ Quý doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới này với chi phí hợp lý và hiệu quả cao.

 

 

admin

admin